Chuyển đổi số báo chí: Xây dựng cơ quan báo chí Nghệ An theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại - Kỳ 1: Bức tranh Chuyển đổi số báo chí
Chuyển đổi số và bức tranh chuyển đổi số báo chí ở Nghệ An
Chuyển đổi số báo chí thể hiện từ các khâu: Chuyển đổi số trong sản xuất nội dung; Chuyển đổi số trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng; Chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh báo chí; Chuyển đổi số trong mô hình tòa soạn.
Chuyển đổi số trong sản xuất nội dung đó là cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, quan tâm của người dùng, để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc, xem, nghe; đa dạng hoá các sáng tạo nội dung. Chuyển đổi số trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng, gồm: Sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng theo phương thức “người dùng ở đâu, thông tin ở đó”; hình thành các liên kết báo chí để phân phối nội dung (báo chí liên kết với viễn thông, công ty công nghệ, mạng xã hội, với các nền tảng số). Chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh báo chí là sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi sang thu phí nội dung, hướng vào nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng trải nhiệm của người dùng để thu hút độc giả cũng như nguồn lực tài chính từ độc giả. Chuyển đổi số trong mô hình tòa soạn (hội tụ về không gian làm việc, về phương thức tác nghiệp, về nội dung, về nền tảng vận hành toà soạn…).
Tóm lại, chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số.
Thực tế, hiện nay nhiều tờ báo đã thực sự đổi mới, thay đổi phương thức làm báo, đưa tin, ứng dụng được công nghệ thông tin, bắt tay sớm vào chuyển đổi số. Cả nước có 120/127 báo, 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử. Một số cơ quan báo điện tử lớn đã được được hỗ trợ chi phí thuê dịch vụ internet, băng thông, đường truyền, hosting máy chủ, CDN. Đại bộ phận các cơ quan báo chí điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trực tiếp rà soát, đánh giá về an toàn an ninh mạng và bước đầu đã có các giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin cho cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, cơ bản các trang báo điện tử của Việt Nam mới dừng lại ở công nghệ Web 1.0 (read - only), chỉ một số ít đã bắt đầu là web 2.0 (cho phép đọc - viết, tương tác giữa người đọc và bài báo ngay trên nền tảng của báo và cho phép lưu giữ 1 phần thông tin danh tính người đọc); Chưa thực sự tồn tại cơ sở dữ liệu riêng của từng cơ quan báo chí về người đọc và hành vi của người đọc (đa số đều phụ thuộc vào công cụ đo của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook hoặc các công cụ đo lường của các bên thứ ba khác).
Đối với Nghệ An, các cơ quan báo chí bước đầu đã có sự thích ứng với công cuộc chuyển đổi số sớm. Chủ lực trong “binh chủng” tuyên truyền là Báo Nghệ An và Đài PT-TH tỉnh đã có bước đầu tư về công nghệ hiện đại trong quá trình tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí. Các phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyển đổi số báo chí. Việc sử dụng các nền tảng số đã rút ngắn các công đoạn sản xuất các sản phẩm báo chí, đồng thời tạo ra sự tương tác trong quá trình làm việc giữa các phóng viên, biên tập viên, giữa cơ quan báo chí với người đọc, người nghe, người xem… Chất lượng các tác phẩm báo chí đa phương tiện trên nền tảng công nghệ số xuất hiện nhiều hơn trên báo Nghệ An, đáp ứng nhu cầu ngày cao của đọc giả và khán, thính giả như podcast, video, infographics, long form, data journalism, media,... Chuyển đổi số báo chí cũng đã thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản trị nội bộ của tòa soạn của báo Nghệ An và Đài PTTH Nghệ An, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến. Báo Nghệ An cũng đã cho ra đời mô hình truyền thông mới như: tòa soạn hội tụ, báo chí mạng xã hội, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện.
Tuy nhiên, cùng với hệ thống các cơ quan báo chí các địa phương trong cả nước, công cuộc chuyển đổi số báo chí của Báo Nghệ An và Đài PT-TH tỉnh đang chỉ là những bước đi ban đầu. Trong lộ trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí trong tỉnh xác định yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa quyết định đến thành công, do vậy đã và đang có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới.
Chuyển đổi số báo chí là một quá trình khó khăn và đầy thách thức
Chuyển đổi số báo chí là một quá trình khó khăn và đầy thách thức: thách thức về công nghệ, thách thức bởi mạng xã hội và các nền tảng mạng xã hội, thách thức về bản quyền.
Sự thiếu tự chủ về công nghệ là thách thức rất lớn đối với công cuộc chuyển đổi số báo chí. Hiện nhiều cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng kỹ thuật như máy chủ và CMS từ các doanh nghiệp cung cấp như ePi, VCCorp, 24h, FPT, Netlink,... Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác, các cơ quan báo chí Nghệ An cũng phải dựa vào hệ thống an toàn thông tin của các đơn vị cung cấp CMS và lưu trữ dữ liệu trên đám mây, không có sự tự chủ về máy chủ, CMS, bảo mật hoặc đám mây vì đòi hỏi chi phí cao và đội ngũ nhân sự để quản lý và vận hành.
Hiện nay, hệ thống thông tin của báo Nghệ An và Đài PTTH tỉnh cơ quan báo chí chưa có cấp độ an toàn thông tin được xác định. Tình trạng này khiến các cơ quan báo chí trở nên phụ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ.
Nằm trong tình hình chung của cả nước, các cơ quan báo chí Nghệ An đang hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thông tin trên mạng xã hội. Việc xác minh nguồn tin và định hình xu hướng trên không gian mạng là rất khó khăn, thậm chí là không khả thi nếu thiếu các công cụ thích hợp. Ngoài ra, xu hướng cá nhân hóa trong việc tiếp nhận thông tin cũng ngày càng gia tăng, làm giảm sự tiếp cận thông tin báo chí theo cá nhân. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thông tin báo chí bị chèn ép và lấn át bởi các thông tin khác.
Bên cạnh đó, các nền tảng nội dung trực tuyến toàn cầu như Facebook, Google và YouTube đang gây ra sự mất mát nguồn thu và giảm sự ảnh hưởng của báo chí trong việc truyền tải thông tin. Các nền tảng này sở hữu quyền điều khiển, chi phối thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, đồng thời buộc người sử dụng tuân thủ theo quy tắc của chính họ, mang lại lợi ích lớn cho họ (về doanh thu và dữ liệu) mà không đáp ứng lợi ích quốc gia. Các công ty sở hữu các nền tảng này đều khẳng định rằng nội dung trên nền tảng của họ là tự do và không bị phụ thuộc vào chính sách quản lý của các quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan báo chí phải tập trung vào lượng truy cập, dẫn đến giảm chất lượng nội dung, không đáp ứng đúng tôn chỉ và mục đích ban đầu.
Một thách thức nữa là các cơ quan báo chí thường xuyên gặp phải việc bị ăn cắp bản quyền nội dung mà chưa có giải pháp đáng tin cậy để ngăn chặn. Việc sản xuất các tác phẩm báo chí công phu đòi hỏi đầu tư lớn về nhân lực, tài chính và thời gian, thậm chí đôi khi đánh đổi bằng sức khỏe và sinh mạng của những người làm báo, nhằm phục vụ độc giả và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, chỉ trong vài phút sau khi được đăng hoặc phát sóng, nhiều trang web, trang tin tức tổng hợp, các nhóm trên mạng xã hội đã sao chép và đăng tải nội dung mà không xin phép hoặc không trích dẫn nguồn gốc. Đôi khi họ thậm chí tùy ý biến đổi, sửa đổi nội dung theo ý muốn riêng, gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và xã hội.
Lan Oanh