image banner
Hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân về một số kiến nghị liên quan đến xây dựng trạm BTS.
Sáng ngày 28/9, tại Nhà văn hóa xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Tân Kỳ, UBND xã Nghĩa Hoàn và VNPT Nghệ An tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân xóm Xuân Sơn về việc xây dựng trạm BTS trên địa bàn xã.

 

 

Anh-tin-bai

 Quang cảnh hội nghị đối thoại

          Tham dự Hội nghị đối thoại có đại diện các đơn vị: ông Trần Anh Tuấn – Chánh thanh tra Sở; chuyên viên Phòng BCVT-CNTT Sở TT&TT; ông Hoàng Xuân Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tân Kỳ; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Hoàn; Ban cán sự và nhân dân tổ liên gia số 9, số 10 xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn.

         Trực tiếp đối thoại với người dân không chỉ là dịp để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, mà còn tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

         Với tinh thần đó, hội nghị đối thoại được tổ chức để các cấp chính quyền trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân phản ánh, trao đổi các nội dung liên quan đến việc xây dựng trạm BTS của VNPT Nghệ An tại xóm Xuân Sơn, về quy trình xây dựng trạm và các băn khoăn của người dân về an toàn cột cao, ảnh hưởng của sóng điện từ trạm BTS với sức khỏe con người.

Anh-tin-bai

 Ý kiến của người dân về ảnh hưởng của sóng điện từ trạm BTS đối với sức khỏe con người

         Tại buổi đối thoại, ông Trần Anh Tuấn – Chánh thanh tra Sở TT&TT đã cung cấp đầy đủ các thông tin, các quy định của pháp luật khi xây dựng trạm BTS trên địa bàn tỉnh nói chung, đối với trạm BTS của VNPT Nghệ An tại xóm Xuân Sơn nói riêng cho bà con nhân dân. Việc người dân lo ngại về ảnh hưởng của sóng điện từ đối với sức khỏe con người, đại diện Sở TT&TT cũng đã cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan để khẳng định Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”. Đồng thời nhấn mạnh rằng, trạm BTS tại xóm Xuân Sơn trước khi đưa vào sử dụng sẽ được kiểm định về an toàn phơi nhiễm sóng điện từ và được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định của pháp luật.

         Theo ý kiến một số người dân, buổi đối thoại trực tiếp với các cấp chính quyền người dân đã được cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến xây dựng trạm BTS, phần nào giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của người dân khi lo ngại trạm BTS ảnh hưởng tới sức khỏe.

         Sau hơn 2 tuần kể từ khi tổ chức hội nghị đối thoại này, trạm BTS của VNPT Nghệ An tại xóm Xuân Sơn đã được đơn vị hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào phát sóng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và góp phần trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 


Một số thông tin liên quan đến việc xây dựng và phát sóng trạm BTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An

1. Vai trò của hạ tầng Viễn thông đối với việc phát triển KT-XH và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

        Viễn thông là ngành thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế và đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá – công nghiệp hoá đất nước. Viễn thông với vai trò là cơ sở hạ tầng xã hội, tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự phát triển Văn hoá – Xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hiện nay, hạ tầng mạng Viễn thông là không thể thiếu để cung cấp dịch vụ tại các trung tâm văn hoá, chính trị, những cơ sở đào tạo, trường học, bệnh viện, khu kinh tế.. cũng như các khu dân cư, là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

        Đáp ứng nhu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2005 đến nay, lĩnh vực Viễn thông, trong đó có thông tin di động đã có tốc độ phát triển rất nhanh về hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Số lượng cột ăngten của trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) đã tăng từ 120 vị trí (năm 2007) lên đến 3.110 vị trí (cuối năm 2020). Thông tin di động đóng vai trò thiết yếu trong hạ tầng viễn thông hiện nay, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh.

          Phát triển, xây dựng các trạm BTS có những đặc thù riêng, đặc biệt trong việc lựa chọn những địa điểm thuận lợi để xây dựng các cột ăngten, tối ưu hóa vùng phủ sóng bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh. Bởi vậy, các doanh nghiệp thường phải thuê lại đất; các mái nhà cao tầng hoặc nhà kiên cố của nhân dân, của cơ quan, tổ chức để lắp đặt các cột ăngten.

          Trong thời gian qua, nhân dân các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức đã rất đồng tình ủng hộ việc xây dựng các trạm BTS, một số rất ít trường hợp phải di dời vị trí hoặc không xây dựng được do cộng đồng dân cư không thống nhất được vì các lý do khác nhau. Để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số, tham gia kịp thời vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), việc phát triển thêm nhiều trạm BTS để phủ sóng 4G, 5G và tương lai 6G là tất yếu, trong đó nhiều trạm phải đặt ở các khu vực dân cư.

2. Quy trình xây trạm BTS phải thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Thông tư số 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng  quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Doanh nghiệp thông tin di động khi xây dựng, lắp đặt trạm BTS thì: phải được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch; lập hồ sơ về xây dựng, có thỏa thuận thuê mặt bằng lắp đặt với các tổ chức, cá nhân; xin cấp phép xây dựng theo quy định đối với các công trình xây dựng trạm BTS không được miễn cấp phép xây dựng (Thẩm quyền cấp phép xây dựng do Sở Xây dựng địa phương cấp phép đối với cột có độ cao trên 45m; UBND cấp huyện cấp phép đối với cột ăng ten có chiều cao dưới 45m).

Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm sao gửi 01 bản giấy phép xây dựng cho Sở Thông tin và Truyền thông. Với các trạm không phải cấp phép theo quy định, Chủ đầu tư phải gửi văn bản thông báo ngày khởi công xây cho Sở Xây dựng và Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn xây dựng công trình trong thời hạn 07 ngày làm việc trước khi khởi công.

3. Để đưa trạm BTS đi vào hoạt động cần những điều kiện về an toàn phơi nhiễm trường điện từ?

Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư 07/2020/TT-BTTTT ngày 13/04/2020 quy định về kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện, Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ngày 13/04/2020 ban hành Danh mục và quy trình kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định, các trạm BTS bắt buộc phải kiểm định là: Áp dụng đối với các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng mà trong bán kính 100m (tính từ điểm bất kỳ nào thuộc chân cột anten của trạm gốc đó) có công trình xây dựng trong đó có người sinh sống, làm việc và có hiệu độ cao của mép dưới thấp nhất của các anten và độ cao tính tới nóc, mặt bằng cao nhất của các công trình xây dựng này nhỏ hơn 28 m”.

Theo đó, đối với thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định” mới lắp đặt thì trước khi đưa vào khai thác, sử dụng, tổ chức, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm định theo thủ tục quy định tại Điều 7 của Thông tư 07/2020/TT-BTTTT. Đối với trạm không thuộc Danh mục này, doanh nghiệp phải tiến hành niêm yết bản công bố tại vị trí dễ nhìn, bên ngoài nhà trạm.

Người dân có thể nhận biết các trạm BTS đã được kiểm định thông qua Giấy chứng nhận kiểm định được niêm yết tại địa điểm lắp đặt trạm BTS (phải được niêm yết trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy kiểm định).

Ngoài ra, trước khi đưa vào vận hành, các yêu cầu về an toàn cột cao, chống sét công trình phải được kiểm định trước khi vận hành, bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 32:2020/BTTTT về tiếp đất cho các trạm viễn thông.

4. An toàn phơi nhiễm của các trạm BTS

Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ đã được thực hiện để đánh giá liệu sóng điện từ cho các trạm BTS điện thoại di động có gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn hay không. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”.

5. Việc lắp đặt các trạm BTS không đúng quy định, người dân cần liên hệ với cơ quan nào để phản ánh về vấn đề này?

 Hiện nay, các doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS theo các hình thức như: lắp đặt trên cột tự đứng độc lập, cột dây co, hoặc lắp đặt trên nóc các công trình xây dựng có sẵn như của nhà dân, cơ quan… Việc xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ. Trước khi doanh nghiệp đưa trạm BTS vào khai thác, sử dụng thì doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục, quy định về kiểm định an toàn phơi nhiễm cho trạm BTS. Nếu trạm BTS vi phạm quy định về an toàn bức xạ điện từ trường thì doanh nghiệp phải dừng hoạt động và tiến hành khắc phục.

 Người dân có thể liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền các cấp để phản ánh hoặc các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm định an toàn bức xạ điện từ trường là Vụ Khoa học Công nghệ và Cục Viễn thông.

6. Nếu việc lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn mà người dân cản trở thì có bị xử lý hay không?

 Để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc như hiện nay, các doanh nghiệp di động thường xuyên phải nâng cấp, tối ưu mạng lưới của mình để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp tốt nhất, qua đó người dân, khách hàng được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt với chi phí ngày càng giảm, quyền lợi của khách hàng, của người dân được nâng cao.

Bên cạnh quyền lợi là vấn đề trách nhiệm: trạm BTS là thiết bị mạng viễn thông, là thành phần tạo nên hạ tầng viễn thông. Theo Điều 5 Luật Viễn thông quy định:

 Điều 5. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin

 1. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; trường hợp phát hiện các hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất…

Tại khoản 6 Điều 12 Luật Viễn thông quy định:

 Điều 12. Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông:

 6. Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.”

Nếu việc lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn mà người dân cản trở thì hành vi đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

 

Phan Đình Mạnh – Sở TT&TT

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1