Truyền
thông chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng đến quá trình phát triển kinh
tế -xã hội
Truyền thông chính sách là cách thức của các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng;
pháp luật của Nhà nước đến với người dân nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của
dư luận trước khi ban hành hoặc tổ chức thực thi chính sách. Vì vậy, muốn chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân
kịp thời, chính xác, đầy đủ thì công tác truyền thông chính sách phải được đề
cao, đẩy mạnh. Thực hiện tốt công tác này sẽ tạo được sự ủng hộ, hợp tác, chủ động
tham gia của người dân vào quá trình thực thi chính sách.
Thời gian qua, công tác truyền thông các chủ
trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được coi trọng
với phương châm truyền thông luôn phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức,
tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với
những thông tin xấu độc, cố tình xuyên tạc sai lệch bản chất, không có lợi cho
sự phát triển của đất nước, của địa phương.
Với số lượng các cơ quan báo chí Trung ương đăng
ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đứng thứ tư cả nước với hơn 80 cơ quan (hơn 100
nhà báo được cấp thẻ), chưa kể đến 3 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh với gần
200 nhà báo hoạt động, bên cạnh đó còn có các cơ quan truyền thông khác (bao gồm Cổng thông
tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ
thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội như
facebook, zalo, tin nhắn qua hệ thống viễn thông…) đã góp phần rất lớn vào
việc truyền tải kịp thời những thông điệp, nội dung quan trọng về chính sách của
Nhà nước, của tỉnh đến với người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về truyền
thông chính sách, thời gian qua, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh những bất cập
như trong cách thức tổ chức lực lượng và đầu tư nguồn lực cho công tác truyền
thông chính sách, điều này dẫn đến tình huống một số cơ quan nhà nước còn
bị động, lúng túng trong việc chủ động cung cấp thông tin chính sách. Việc đổi
mới công tác truyền thông chính sách bước đầu đã có hiệu quả nhưng chủ yếu vẫn
tập trung ở các cơ quan tham mưu. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính
sách, quy định của một số cơ quan nhà nước và cán bộ thực thi công vụ để người
dân hiểu và chấp hành còn hạn chế. Nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn có tâm lý e
ngại khi tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí kể cả chủ động hoặc khi có
yêu cầu, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính
thống để thực hiện công tác truyền thông chính sách.
Hiện nay, với sự bùng nổ của internet và mạng xã
hội, không gian truyền thông trở lên rộng lớn, đa dạng và có phần phức tạp, thậm
chí có lúc, có nơi, trong một số trường hợp, tình huống cụ thể thì các nguồn
thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ
cơ quan nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc định hướng dư luận, làm ảnh
hưởng đến niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước và cán bộ công chức
khi thực thi nhiệm vụ.
Xác định vai trò quan
trọng của công tác truyền thông chính sách, thời gian qua, đặc biệt là sau khi
có Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
công tác truyền thông chính sách. Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung
tham mưu triển khai một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác truyền
thông chính sách trên địa bàn tỉnh như:
- Đã tham mưu ban hành các văn bản, tạo hành lang
pháp lý như Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ,
Kế hoạch truyền thông chính sách hàng năm…để thực hiện công tác truyền thông
chính sách trên địa bàn tỉnh. Các Kế hoạch được xây dựng phù hợp với tình hình thực
tế của Nghệ An, từ đó tạo được bước đột phát ban đầu trong nhận thức và triển
khai công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.
- Đã tham
mưu để các sở, ban, ngành, địa phương cử cán bộ kiêm nhiệm làm công tác truyền
thông chính sách. Đây là đầu mối quan trọng, mặc dù chỉ làm công tác kiêm nhiệm
nhưng đã chỉ rõ họ tên, vị trí công tác của từng cán bộ để làm đầu mối thực hiện
tiếp nhận các thông tin về truyền thông chính sách trong từng thời kỳ, từng nhiệm
vụ cụ thể và được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ để triển khai có hiệu quả nhiệm
vụ.
- Tổ chức
đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông chính sách, kỹ năng sử dụng
phương tiện truyền thông hiện đại cho cán bộ làm công tác truyền thông chính
sách. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở đã tổ chức được 06 lớp đào tạo cho cán bộ
từ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã với số lượng hơn 1.000 người.
- Đặc biệt, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, địa
phương quan tâm, sử dụng, ứng dụng nền tảng số để thực hiện có hiệu quả công
tác truyền thông chính sách, điều này là phù hợp với xu thế mới trong công tác
Chuyển đổi số như xây dựng các video ngắn, hình ảnh động, đồ họa để truyền tải
nội dung chính sách đến người dân một cách nhanh, ngắn gọn, dễ hiểu thông qua hệ
thống Cổng/trang thông tin điện tử, Fanpage, nhóm zalo, tiktok … của các cơ
quan hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan báo
chí, truyền thông.
Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương bước đầu
đã xây dựng được kế hoạch truyền thông chính sách hàng năm, đồng thời đã tận dụng
lợi thế của các phương tiện hiện đại như Cổng/trang thông tin điện tử, các ứng
dụng trên mạng xã hội để phục vụ công tác truyền thông chính sách. Công tác
phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, phối hợp với báo chí để triển khai
các hoạt động truyền thông chính sách cũng bắt đầu được chú trọng.
Để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống và phát huy giá trị, thời gian tới, các
sở, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ tất cả các khâu trong công tác
truyền thông chính sách, như:
- Cấp uỷ, người đứng đầu phải nâng cao nhận thức
về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính
sách, từ đó đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, không
nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền
thông. Việc đổi mới truyền thông chính sách tạo điều kiện cho sự tham gia của
người dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Các hội thảo, hội nghị và các buổi tham
vấn cộng đồng cần được tổ chức nhiều hơn nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của
nhân dân.
- Công tác truyền thông chính sách phải thực hiện
cả trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Cần tạo cơ chế, điều kiện để
người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Cùng với đó là gắn
công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Đồng thời phải chủ động phối hợp
để kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết cho báo chí, đặc biệt khi gặp phải
sự phản đối của người dân đối với chính sách cần phải kiên trì, thường xuyên,
liên tục thực hiện công tác truyền thông để người dân hiểu và đồng thuận.
Tăng cường
công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông chính sách cho cán
bộ kiêm nhiệm làm công tác truyền thông chính sách. Hợp tác với những người có
sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOL) để thực hiện công tác truyền thông
chính sách.
Tận dụng tối đa tiện ích của Cổng/trang thông tin
điện tử, mạng xã hội để thực hiện công tác truyền thông chính sách. Đồng thời,
khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách,
làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện; dễ giám
sát, kiểm tra, đánh giá; dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện.
Thời gian tới nếu các sở ngành, địa phương thực
hiện đồng bộ các khâu nêu trên thì công tác truyền thông chính sách sẽ thực sự
là cầu nối tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực thi chính sách,
từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng trên địa
bàn tỉnh.
Nguyễn Bá Hảo - PGĐ Sở TT&TT