image banner
Một số kết quả công tác triển khai hoạt động Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Nghệ An Quý I năm 2024

Trong Quý I năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024 và 04 Kế hoạch, 01 Quyết định có liên quan. Đến nay, 100% các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ.

 

Tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An đã quyết liệt triển khai các nhóm nhiệm vụ về chuyển đổi số nhằm đạt được các mục tiêu về chuyển đổi số của năm 2024, hướng tới hoàn thành mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 đã đề ra. Một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, về thể chế: Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh, tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành các văn bản triển khai thực hiện hàng năm, trong đó, đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024 với 49 nhóm nhiệm vụ, phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện. 100% các sở, ban, ngành, địa phương đều đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Ban chỉ đạo Chuyển đổi số thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các ngành, lĩnh vực, địa phương triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã ban hành.

Hai là, nhận thức số: Tiếp nối các kết quả đào tạo, tập huấn năm 2023, trong ngay từ đầu năm 2024, việc đào tạo, tập huấn đã được triển khai ngay trong Quý I, trong đó có 2/21 huyện, thành, thị đã hoàn thành lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các CBCC toàn huyện; Tỉnh chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tổ chức khóa đào tạo trực tuyến về an toàn thông tin trên nền tảng daotao.ai (nền tảng học trực tuyến của Đại học Bách khoa Hà Nội) cho thành viên mạng lưới an toàn thông tin của tỉnh. Khóa học bắt đầu từ ngày 05/4/2024 đến ngày 22/4/2024, đã có 2.292 học viên đăng ký tham gia khóa học, trong đó có 1.898 học viên đã hoàn thành khóa học (đạt 82,8%).

Ba là, Các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Nghệ An: đến nay tỉnh Nghệ An đã đạt được 10/11 mục tiêu về Chính quyền số, 03/06 mục tiêu về Kinh tế số, 02/03 mục tiêu Xã hội số. Người dân và doanh nghiệp đã quan tâm và được hưởng các thành quả của chuyển đổi số như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số.

Bốn là, Nền tảng số cơ quan nhà nước: các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được ưu tiên triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin (được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin), cơ bản đáp ứng các yêu cầu phục vụ quản lý, điều hành cho các cấp chính quyền; Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đều sử dụng đồng bộ các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành như: Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, Quản lý kế toán - tài chính, Quản lý học tập trực tuyến, Quản lý thanh tra, quản lý hộ tịch, thuế, kho bạc... trong quản lý, điều hành.

Năm là, Mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng, Nhà nước: Được đưa vào vận hành từ năm 2017, kết nối đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã với 849 điểm kết nối. Tỉnh Nghệ An là một trong 14 tỉnh/63 tỉnh, thành đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa mạng truyền số liệu theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Sáu là, An toàn thông tin: Luôn là nhiệm vụ được tỉnh Nghệ An ưu tiên triển khai, đặc biệt là việc triển khai đảm bảo an toàn thông tin 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, triển khai Trung tâm điều hành an ninh mạng SOC, kết nối Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng (NCSC) của Cục An toàn thông tin để giám sát hỗ trợ xử lý cho 5.166 máy tính bàn, 70 máy chủ, 505 thiết bị mạng (swich, router, filwere) đảm bảo khong xảy ra tình trạng mất ANTT của các hệ thống thông tin của tỉnh. Tổ chức xác định cấp độ, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 100% hệ thống thông tin cấp độ 1 (460 hệ thống cấp xã), cấp độ 2 (42 hệ thống cấp sở/huyện), cấp độ 3 (9 hệ thống cấp tỉnh). Hoàn thành việc đào tạo an toàn thông tin cho đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin và hệ thống mạng lưới an toàn thông tin toàn tỉnh với 2.293 thành viên đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị có ít nhất 01 cán bộ về an toàn thông tin/chuyển đổi số được đào tạo bồi dưỡng về an toàn thông tin/cđs.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Nghệ An còn gặp một số khó khăn, vướng mắc; kết quả chung về công tác chuyển đổi số của tỉnh còn chưa đạt yêu cầu đề ra, cụ thể:  

Một là: Một số nội dung hướng dẫn, cơ sở pháp lý về chuyển đổi số chưa được hoàn thiện, như: việc thẩm định các nhiệm vụ, dự án CNTT/chuyển đổi số tại địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa đầy đủ định mức kinh tế - kỹ thuật; việc áp dụng các đơn giá, định mức chi cho chuyển đổi số còn lúng túng, chưa đầy đủ. Giải pháp được tỉnh đề ra để khắc phục hạn chế trong thời gian tới là: Tham gia đẩy đủ, trách nhiệm đối với các dự thảo do Trung ương soạn thảo về định mức KT-KT; Tích cực phối hợp với các sở, ngành, nhất là Tài Chính để tháo gỡ các khó khăn trong khâu thẩm định, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời.

Hai là: Phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do thiếu điện lưới, địa hình phức tạp. Theo hướng dẫn thống kê vùng lõm sóng di động, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, kết quả: VinaPhone 464 khu vực, Viettel 245 khu vực, MobiFone 73 khu vực. Đối với hạn chế này, tỉnh Nghệ An đang tập trung quy hoạch bổ sung vị trí trạm BTS tại các vùng lõm sóng; theo dữ liệu tổng hợp, 02 doah nghiệp VinaPhone và Viettel đã đăng ký phát triển trên 700 trạm BTS của tỉnh Nghệ An đến năm 2025.

Ba là: Cơ sở dữ liệu của các ngành vẫn còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông và chia sẻ. Giải pháp được đề ra là tập trung đôn đốc các ngành, lĩnh vực xây dựng CSDL theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của tỉnh, trong đó bao gồm các CSDL ưu tiên.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để quyết tâm, nỗ lực thực hiện Chuyển đổi số đạt kết quả cao nhất, đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra. Trước mắt, triển khai xây dựng Kế hoạch của tỉnh Nghệ An để triển khai Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024 với các nhóm nhiệm vụ/nội dung thuộc phạm vi quản lý.

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1