image banner
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai 06 giải pháp trọng tâm tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin

Ngày 27/06/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 2518/BTTTT-CATTT về việc hướng dẫn một giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin. Theo văn bản này, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra một số sự cố an toàn thông tin mạng, đặc biệt là các sự cố tấn công mã độc mã hóa tống tiền (ransomware), gây thiệt hại và làm gián đoạn dịch vụ trực tuyến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Việc khắc phục và phục hồi sau sự cố an toàn thông tin mạng còn chậm và lúng túng. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa tuân thủ và triển khai đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng, điển hình là: không có bản sao lưu dữ liệu ngoại tuyến “offline”, không có hoặc có kế hoạch khôi phục nhanh sau sự cố nhưng không phù hợp, để xảy ra sự cố do những lỗi cơ bản, chưa triển khai phần mềm chống mã độc trên các máy chủ quan trọng, chưa giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) đầy đủ để kịp thời phát hiện bất thường trong hệ thống, … Để tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin và phục hồi nhanh hoạt động sau sự cố, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn triển khai 06 giải pháp trọng tâm tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin. Cụ thể các giải pháp như sau:

Thứ nhất, định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu ngoại tuyến “offline”. Với chiến lược sao lưu dữ liệu theo nguyên tắc 3-2-1: có ít nhất 03 bản sao dữ liệu, lưu trữ bản sao trên 02 phương tiện lưu trữ khác nhau, với 01 bản sao lưu ngoại tuyến “offline” (sử dụng tape/USB/ổ cứng di động,…). Dữ liệu sao lưu offline phải được tách biệt hoàn toàn, không kết nối mạng, cô lập để phòng chống tấn công leo thang vào hệ thống lưu trữ. Bản sao lưu ngoại tuyến được triển khai bằng một trong các giải pháp sau để phòng chống tấn công theo thang vào hệ thống sao lưu, như sau: Sao lưu bằng Tape/USB/Ổ cứng di động,…sau khi kết thúc phiên sao lưu, các thiết bị lưu trữ được tách rời khỏi hệ thống, không kết nối mạng; Có giải pháp cô lập (isolate/airgap), khi kết thúc phiên sao lưu dữ liệu, giải pháp này cho phép cô lập/ngắt kết nối lôgíc của hệ thống sao lưu. Triển khai chiến lược sao lưu và phục hồi dữ liệu, đảm bảo các yêu cầu đặt ra phù hợp với thực tế. Đồng thời xây dựng quy trình các bước sao lưu và phục hồi dữ liệu tương ứng với từng loại dữ liệu và hệ thống thông tin (HTTT). Với mỗi hệ thống khác nhau, với mỗi lượng dữ liệu lưu trữ của từng hệ thống, tổ chức có thể lựa chọn phương án sao lưu ở mức tập tin, hoặc mức máy ảo. Đối với mỗi mức sao lưu, quy trình khôi phục hệ thống cũng sẽ khác nhau, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng phương án phù hợp theo nhu cầu khôi phục của cơ quan, đơn vị. Đối với sao lưu mức máy ảo, các dữ liệu sao lưu sẽ rất lớn. Khuyến nghị nên sử dụng các thiết bị sao lưu có tốc độ đọc ghi cao để đảm bảo tốc độc đọc ghi dữ liệu trong suốt quá trình sao lưu và khôi phục dữ liệu. Dữ liệu sao lưu tối thiểu như sau: cấu hình của hệ thống và các phần mềm, ứng dụng; log file; dữ liệu quan trọng của hệ thống;.... Căn cứ yêu cầu thực tế của HTTT và nhu cầu, năng lực của tổ chức để thực hiện sao lưu theo kỳ, đối tượng dữ liệu sao lưu,... nhằm đảm bảo đủ điều kiện để có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động của hệ thống nếu xảy ra tấn công mạng.

Thứ hai, triển khai giải pháp để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin khi gặp sự cố, đưa hoạt động của hệ thống thông tin trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ. Căn cứ vào mục tiêu RPO, RTO… của tổ chức, từ đó triển khai giải pháp phục hồi hoạt động của hệ thống thông tin một cách phù hợp. Cụ thể: Rà soát, cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố ATTT mạng, bảo đảm: Tổ chức diễn tập phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu, khôi phục lại hoạt động bình thường của HTTT với các tình huống phổ biến, tấn công ransomware từ đó xác định tính khả thi của kế hoạch ứng phó sự cố. Xây dựng và tổ chức triển khai ứng phó xử lý khủng hoảng truyền thông trong trường hợp xảy ra sự cố, giảm thiểu tác động và thiệt hại.

Thứ ba, triển khai các giải pháp, đặc biệt là giải pháp giám sát an toàn thông tin, để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện sớm nguy cơ tấn công mạng đối với cả 3 giai đoạn: (1) xâm nhập vào hệ thống; (2) nằm gián điệp trong hệ thống; (3) khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống. 1. Triển khai giải pháp giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC), bảo đảm 100% các HTTT cấp độ 3 được giám sát an toàn thông tin tập trung, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trên hệ thống. Các giải pháp SOC cần có tính năng cho phép theo dõi, phát hiện các sự kiện bất thường (nhất là mã độc) trong cả 03 giai đoạn: (1) xâm nhập vào hệ thống; (2) nằm gián điệp trong hệ thống; (3) khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống. Đặc biệt, giải pháp SOC cần kịp thời phát hiện sớm khi kẻ tấn công (mã độc) khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống, từ đó thực hiện các biện pháp cô lập, xử lý nhằm ngăn chặn lây lan, tấn công leo thang. Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá lỗ hổng bảo mật để phát hiện sớm nguy cơ hệ thống bị xâm nhập và khắc phục kịp thời các điểm yếu đang tồn tại trên HTTT theo quy định của pháp luật, cụ thể: HTTT cấp độ 1, 2: tối thiểu 01 lần/02 năm; HTTT cấp độ 3, 4: tối thiểu 01 lần/01 năm; HTTT cấp độ 5: tối thiểu 01 lần/06 tháng. Thực hiện săn lùng mối nguy hại (threat hunting), đặc biệt là sau khi phát hiện có hoạt động tấn công mạng thành công vào hệ thống, để phát hiện sớm dấu hiệu hệ thống thông tin đã bị thâm nhập, cài cắm mã độc,… giảm “thời gian trú ngụ của kẻ tấn công” bên trong HTTT. Triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung, đặc biệt là cài đặt giải pháp Chống phần mềm mã độc (AV), Phát hiện và phản hồi các mối nguy hại tại điểm cuối (EDR) tối thiểu trên tất cả các máy chủ, máy quản trị (hỗ trợ cài đặt).

Giải pháp thứ tư là phân tách, kiểm soát truy cập giữa các vùng mạng và chuyển đổi, nâng cấp các ứng dụng, giao thức, kết nối lạc hậu, không còn được hỗ trợ kỹ thuật sang phương án sử dụng các nền tảng, ứng dụng để giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng leo thang. Rà soát, phân vùng mạng các HTTT phù hợp theo cấp độ và có giải pháp phòng chống xâm nhập mạng giữa các vùng mạng, đặc biệt giải pháp để ngăn ngừa nguy cơ bị tấn công leo thang từ người dùng nội bộ/người dùng cuối. Phân loại các ứng dụng và phần mềm, giao thức, kết nối lạc hậu, không còn được hỗ trợ kỹ thuật hoặc có quyền truy cập trực tiếp đến hệ thống sang phương án sử dụng các ứng dụng (app/web based) để giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng leo thang từ phía người dùng. Tổ chức rà soát, quản lý phân quyền ứng dụng để triển khai giải pháp quản lý tài khoản đặc quyền (PIM/PAM) cho các tài khoản quan trọng.

Thứ năm, tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp kẻ tấn công có được tài khoản quản trị. Rà soát, tổng hợp và phân loại các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị hệ thống có nguy cơ bị tin tặc khai thác, chiếm quyền điều khiển hệ thống. Triển khai xác thực 2 lớp đối với tất cả tài khoản quản trị trên các hệ thống, ứng dụng quan trọng. Triển khai giải pháp quản lý tài khoản đặc quyền (PIM/PAM).

Giải pháp thứ sáu là à soát, khắc phục và không để xảy ra các lỗi cơ bản dẫn đến mất an toàn hệ thống thông tin. Cụ thể: Tổ chức triển khai rà soát, kịp thời khắc phục các lỗi cơ bản trong quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin như: (1) Hệ thống sao lưu dự phòng online, cùng vùng mạng với hệ thống đang hoạt động. (2) Không thay đổi mật khẩu tài khoản quản trị, tài khoản quan trọng định kỳ hoặc thu hồi quyền đối với tài khoản khi người quản trị nghỉ việc. (3) Để các máy chủ quan trọng, máy chủ quản trị kết nối trực tiếp với Internet nhưng không được bảo vệ hoặc mở dịch vụ không cần thiết. (4) Các máy chủ, máy quản trị được cài các phần mềm AV, EDR nhưng khi kẻ tấn công vô hiệu hóa các tính năng này, hệ thống không phát hiện được. (5) Sử dụng cùng thông tin đăng nhập (tài khoản và mật khẩu) cho nhiều hệ thống, thiết bị, quan trọng. Thông tin đăng nhập được lưu trữ trên các máy tính quản trị và các máy chủ không được mã hóa. (6) Kiểm soát truy cập từ đối tác, giữa các bộ phận chuyên môn trên các thiết bị tường lửa lỏng lẻo, không theo đúng nghiệp vụ chuyên môn. (7) Không tuân thủ việc cập nhật các bản vá bảo mật theo khuyến nghị từ cơ quan chức năng, từ nhà cung cấp giải pháp, sản phẩm. (8) Phân quyền tài khoản người dùng đối với hệ thống, ứng dụng không hợp lý, chưa tuân thủ nguyên tắc đặc quyền tối thiểu, cho phép kẻ tấn công dễ dàng có được quyền cao nhất khi khai thác lỗ hổng bảo mật. (9) Quản trị hệ thống sử dụng phần mềm bẻ khóa (phần mềm crack), dẫn đến việc nhiễm các dòng mã độc, cài cửa hậu (backdoor) hoặc đánh cắp mật khẩu quản trị.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn triển khai rà soát, khắc phục các lỗi cơ bản như: (1) Thực hiện đổi ngay các mật khẩu quản trị trên các hệ thống thông tin quan trọng, và thực hiện đổi mật khẩu định kì theo các chu kì tiếp theo. Tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị để phòng ngừa, giảm bớt thiệt hại trong trường hợp kẻ tấn công có được tài khoản quản trị. (2) Rà soát và đóng toàn bộ các kết nối cổng quản trị, cổng cơ sở dữ liệu (SSH, RDP, DB, ...) qua giao diện Internet đồng thời triển khai thực hiện qua kết nối an toàn (VPN, PAM, jump, xác thực đa yếu tố MFA,..). Rà soát và tiến hành khóa/ngắt các giao thức (protocol), dịch vụ (services) không sử dụng. Các hệ thống cấp độ 2 trở lên bắt buộc phải triển khai xác thực đa yếu tố. (3) Rà soát cấp phát IP public, thực hiện ngắt các server dịch vụ có IP public nhưng không qua hệ thống Firewall. (4) Thực hiện rà soát các tài khoản VPN, kết nối từ xa tới hệ thống đang được cấp phát, tiến hành ngắt đối với các tài khoản không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích. (5) Chủ động thực hiện rà soát các lỗi lộ lọt mật khẩu, tài khoản người dùng trên các nền tảng chia sẻ dữ liệu tội phạm mạng (threat intelligent platform). Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) sẽ công bố và cập nhật danh sách các lỗi cơ bản trên website https://ais.gov.vn.

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1