image banner
Chuyển dịch trong ngành in thời kỳ chuyển đổi số

Sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay đã có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành in, mở ra những cơ hội mới và thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực này. Cùng với sự gia tăng của các công nghệ số hóa và các phát minh tiên tiến, ngành in đã và đang trải qua một cuộc cách mạng về cả công nghệ và ứng dụng.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến ngày 15/3/2024, cả nước có 2.771 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 72 cơ sở in Trung ương (2,6%) và 2.699 cơ sở in ở địa phương (97,4%), riêng Nghệ An hiện có 16 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động.

Trong thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số, sự bùng nổ của thiết bị nghe nhìn và Internet đi cùng với nhu cuộc sống của con người tăng cao đã làm chuyển dịch về sản phẩm in, xu hướng ngành in trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Chuyển dịch trong sản phẩm in

Chuyển đổi số đã làm các sản phẩm in truyền thống trước đây như hoá đơn tài chính, biểu mẫu, tài liệu hội thảo, hội nghị, văn bản hành chính ngày càng giảm. Việc in ấn tài liệu trên giấy của các tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục giảm nhiều trong tương lai do các công cụ mới giúp xử lý tài liệu mà không cần in.

Ngược lại, sự ra đời của công nghệ mới, thay đổi lối sống, sự gia tăng thương mại điện tử và đô thị hóa đang thúc đẩy sự phát triển thị trường in ấn bao bì. Mua sắm trực tuyến dẫn đến gia tăng nhu cầu về nhãn hàng, thùng, hộp đóng gói và vận chuyển. Các nhà bán lẻ chú trọng nhiều vào bao bì, nhãn mác để quảng bá sản phẩm, thương hiệu của họ nên nhu cầu về in ấn bao bì sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Theo báo cáo thị trường của Smithers Pira (cơ quan toàn cầu về chuỗi cung ứng ngành bao bì, giấy và in) tháng 12/2023 ngành công nghiệp in toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 889,4 tỷ USD lên 1,16 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm tới nhờ sự phát triển của in ấn bao bì, nhãn hàng và in kỹ thuật số. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành, năm 2023 doanh thu toàn ngành đạt 92.000 tỷ đồng; lợi nhuận (sau thuế) đạt 4.395 tỷ đồng. Trong năm 2023, sản lượng giấy tiêu dùng các loại đạt 6,623 triệu tấn, tăng trưởng 15% so với năm 2022 (5,758 triệu tấn), trong đó riêng giấy bao bì (testliner và medium) đạt sản lượng 5,269 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 79,5%. Năm 2023, thị trường in bao bì của Việt Nam bằng 43,8% so với Indonesia và 104% so với Philippines. Ngành công nghiệp bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định giai đoạn 2015-2023, tỷ lệ tăng trưởng bình quân là 13,4%/năm. Điều này cho thấy sự chuyển dịch trong cơ cấu sản phẩm in ấn thời gian qua và có xu thế ngày một tăng cao trong tương lai.

 

Chuyển dịch trong tiếp cận thị trường và khách hàng

Trước đây, các doanh nghiệp in thường tập trung vào sản xuất hàng loạt các sản phẩm in ấn chuẩn để đáp ứng nhu cầu tổng thể của thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số đã thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và khách hàng.

Ngày nay, khách hàng đòi hỏi sự cá nhân hóa và linh hoạt cao hơn trong các sản phẩm in ấn của họ. Các doanh nghiệp in phải sử dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh và linh hoạt, từ in ấn quảng cáo cá nhân hóa đến sản xuất hàng loạt sản phẩm đa dạng theo yêu cầu của từng khách hàng.

Công nghệ số cho phép các doanh nghiệp in sản xuất các sản phẩm cá nhân hóa như in ấn quảng cáo, bộ quà tặng doanh nghiệp, hay các tài liệu marketing riêng biệt phù hợp với từng khách hàng. Thay vì tiếp cận bằng các mẫu chuẩn, họ có thể linh hoạt thích nghi với yêu cầu cụ thể của từng đối tượng khách hàng, từ doanh nghiệp lớn đến cá nhân hay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với việc sử dụng công nghệ số, các doanh nghiệp in không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong sản xuất mà còn mang lại giá trị gia tăng rõ rệt cho khách hàng. Các sản phẩm in ấn không còn đơn thuần là vật phẩm mà trở thành một phần không thể thiếu trong việc xây dựng thương hiệu và tương tác với thị trường.

Với sự thay đổi này, các doanh nghiệp in đang bước vào một thời đại mới, nơi mà sự kết hợp giữa nhu cầu cá nhân hóa cao và công nghệ số đã mở ra những cơ hội vô hạn trong việc đáp ứng và phát triển trong thị trường in ấn hiện nay.

Chuyển dịch trong công nghệ in

Các doanh nghiệp in trong nước đã tăng cường cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ phát triển khu vực và thế giới. Sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, chất lượng, mẫu mã xuất bản phẩm không thua kém các nước trên thế giới, đã có nhiều xuất bản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sách đẹp trên thế giới. Hiện nay, các công nghệ in hiện đại đều có mặt ở Việt Nam, tuy nhiên số lượng thiết bị, số lượng doanh nghiệp in hiện đại còn ít phần lớn tập trung vào khối FDI.

Hiện nay, in offset vẫn thống trị cả về giá trị và sản lượng, chiếm khoảng 65% thị phần; các công nghệ in khác (in flexo, in ống đồng, in letterpress, in lụa..) chiếm 35% thị phần. Xu hướng sử dụng máy in kỹ thuật số tăng lên bởi ưu điểm chi phí in màu thấp, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, thời gian quay vòng vốn nhanh, cần ít nhân viên, vận hành máy móc đơn giản hơn. Do hiệu quả về chi phí và tính linh hoạt của công nghệ, giải pháp in phun và in laser nhanh chóng được ngành in giấy và bao bì ứng dụng, phân khúc này dự báo tăng trưởng bởi sự phát triển của các công nghệ dựa trên Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ in kỹ thuật số sẽ tiếp tục mở rộng sang dạng in lai ghép (hybrid) kết nối vào các hệ thống in flexo và offset truyền thống. In lại ghép, In kỹ thuật số tiếp tục phát triển vì nó cho phép sản xuất nhiều bản in được cá thể hoá với giá thành rẻ hơn

Chuyển dịch về năng lực quản trị, chuyển đổi số

Năng lực quản trị, chuyển đổi số của các doanh nghiệp in thời gian qua có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều doanh nghiệp in đã quan tâm đến việc quản trị, quản lý chất lượng đạt các chứng chỉ quốc tế (các chứng chỉ ISO, GMI, G7…) nhằm đáp ứng các đơn hàng của thị trường các nước G7. Một loạt các cam kết về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội đang cũng được các nhà in Việt Nam quan tâm.

Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố không thể tránh khỏi trong ngành in hiện đại. Việc thích ứng với sự chuyển đổi số không chỉ là cách để doanh nghiệp in tồn tại mà còn là chìa khóa để xây dựng ngành công nghiệp in thành một ngành công nghiệp hiện đại, linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Nhiều nhà in đã chuyển dịch dần sang tự động hoá và công nghệ thông minh để tối ưu hóa trong tất cả các quy trình sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp in đã đầu tư cho quản lý các công đoạn sản xuất, kiểm soát máy móc thiết bị, quản lý và kiểm soát giá trị đơn hàng, quản lý thông tin khách hàng, quản lý vật tư, nguyên vật liệu đặc biệt xây dựng phần mềm quản lý in ấn. Các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã quan tâm vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông qua ứng dụng số hóa.

Tự động hóa quy trình làm việc cùng với việc sử dụng các giải pháp đám mây (iCloud), dữ liệu lớn (Big data) là những đòn bẩy quan trọng để giảm chi phí. Mức độ tự động hóa cao trong sản xuất và trong các quy trình hỗ trợ tại văn phòng sẽ giúp các doanh nghiệp in đạt được vị thế kinh tế. Môi trường “kết nối mạng thông minh”, sử dụng các dịch vụ và các giải pháp công nghệ thông tin được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí và tăng cường tính linh hoạt trong quy trình sản xuất kinh doanh của họ, ngoài ra còn giảm khả năng xảy ra lỗi chủ quan của con người.

Trong cuộc hành trình chuyển đổi số của ngành in, chúng ta đã chứng kiến những chuyển dịch trong ngành từ sự lan tỏa của công nghệ số, kinh tế số và xã hôị số. Sự chuyển dịch này là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển bền vững của ngành in ở hiện tại và trong tương lai.

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1