Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025
Chiều ngày 21/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và Lễ phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Lê Bá Hùng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; 21 điểm cầu có sự tham dự của lãnh đạo UBND, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số các huyện, thành thị.
Quang cảnh hội nghị
Ngày 22/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Sau một năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã đạt được 8/11 mục tiêu về Chính quyền số, 2/6 mục tiêu về Kinh tế số và 1/3 mục tiêu về xã hội số. Chú trọng, ưu tiên nhiệm vụ chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương; Ưu tiên chuyển đổi số trong phát triển chính quyền số, đặc biệt là cung cấp dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về phát triển hạ tầng số, đến nay, số thuê bao băng rộng di động đạt 98 thuê bao trên 100 dân (tổng 3.3348.092 thuê bao), tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 75,7%; có 3.743 thôn, bản đã được phủ sóng băng rộng di động và hiện đang thí điểm triển khai internet 5G tại thành phố Vinh; 100% cán bộ, công chức toàn tỉnh có máy tính sử dụng, kết nối mạng LAN, mạng Internet; 100% các cơ quan nhà nước, từ cấp tỉnh đến cấp xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng với trên 870 điểm kết nối. Hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh thành hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Hệ thống Hội nghị truyền hình được vận hành ổn định, hiệu quả, đáp ứng tốt các điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn, giao ban trực tuyến.
Về phát triển nhân lực chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 15/6/2023 về việc bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, phổ cập kỹ năng số cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan nhà nước được bồi dưỡng kỹ năng số và an toàn thông tin, Toàn tỉnh hiện có 66 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đang làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. 460 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã (tổng 5.221 người tham gia), 3.793 tổ cấp thôn, xóm (tổng 18.093 tham gia) được thành lập.
Về Xây dựng Chính quyền số, hệ thống các phần mềm dùng chung của tỉnh phục vụ chính quyền điện tử tiếp tục được vận hành ổn định, bảo đảm an toàn thông tin, khai thác hiệu quả ; hoàn thành xây dựng hệ thống thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu tỉnh Nghệ An, là cơ sở để triển khai kho dữ liệu và cổng dữ liệu mở của tỉnh.Các ngành, lĩnh vực đều tích cực triển khai hiệu quả các nền tảng, phần mềm dùng chung của các Bộ, ngành Trung ương liên thông đến cấp xã. Hoạt động và quản trị, vận hành IOC tỉnh Nghệ An phục vụ việc giám sát: Kinh tế - Xã hội; Hành chính công; Hệ thống quản lý văn bản điện tử; Hệ thống điều hành Y tế; Hệ thống điều hành Giáo dục; Hệ thống Quản lý phản ánh và tương tác trực tuyến; Hệ thống Du lịch; Hệ thống giám sát An toàn thông tin; Giám sát An ninh trật tự và An toàn giao thông. Năm 2022, tỉnh đã bố trí 87,010 tỷ đồng cho chuyển đổi số. Trong đó 3,8 tỷ đồng cho an toàn thông tin; 42,560 tỷ đồng cho chính quyền số; 13,800 cho kinh tế số và 26,850 tỷ đồng cho xã hội số. Tính đến ngày 30/06/2023 Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất kinh phí triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023: 37,2 tỷ đồng và đã được bố trí 28.8 tỷ đồng
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, đến nay ước tính tỷ trọng Kinh tế số trên Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 đạt tỷ lệ 7,38%; đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đóng góp cho kinh tế số hiện nay tại Nghệ An chủ yếu vẫn là kinh tế số ICT (khoảng 50-58%). Thương mại điện tử phát triển nhanh, từng bước mở rộng quy mô đến địa bàn cấp huyện, cấp xã; các sản phẩm đặc trưng OCOP của địa phương được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Thanh toán số phát triển nhanh tại tỉnh Nghệ An theo xu thế chung, hiện diện ở mọi lĩnh vực, địa phương. 872 trường học đã thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 92,47%. Hoàn thành thí điểm mô hình chuyển đổi số cho 03 xã; hiện nay đang triển khai mở rộng mô hình ra toàn tỉnh trong năm 2023. Các nền tảng thanh toán số ở Nghệ An khá phong phú (App ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money), triển khai dịch vụ đến hầu hết các ngành, lĩnh vực; các huyện, thành, thị. Các cửa hàng bán lẻ, hộ kinh doanh hiện cơ bản đã có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An đã hỗ trợ được hơn 470 doanh nghiệp và thương nhân đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; Thu hút trên 9,2 triệu lượt truy cập; Giới thiệu và chào bán 3.723 các sản phẩm và dịch vụ. Tính đến 30/8/2023, Số doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An… được đưa lên các sàn TMĐT là 266.373 hộ, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nươc về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn. Chỉ số xếp hạng thương mại điện tử Nghệ An nhiều năm liền nằm trong top khá cả nước, năm 2023 xếp thứ 14 cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2022)
Toàn tỉnh đã cấp Căn cước công dân cho 2.814.752 trường hợp. Triển khai thu nhận hồ sơ định danh điện tử được 2.311.256 hồ sơ; trong đó đã kích hoạt được 1.710.789 hồ sơ (đạt 100,13% chỉ tiêu Bộ Công an giao)…
Để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 774, triển khai thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành 03 Kế hoạch và nhiều văn bản triển khai thực hiện, chỉ đạo các mặt công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Kết quả, 8/8 hệ thống thông tin cấp độ 3, 42/42 hệ thống thông tin cấp độ 2 đã được phê duyệt hồ sơ đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ. Duy trì vận hành phần mềm Hệ thống phòng, chống mã độc tập trung của tỉnh đến hơn 3.400 máy tính của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến dịch bóc gỡ mã độc trên không gian mạng.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá sự nỗ lực của các cấp ủy chính quyền, các sở, ngành trong thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số, nâng cao chỉ số chuyển đổi số tỉnh Nghệ An (DTI) trong năm 2023 và các năm tiếp theo; thực hiện đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục bám sát các văn bản, chủ trương của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương; tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số trên các lĩnh vực, vận dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tiếp tục thực hiện nhiều hình thức, kênh truyền thông đa dạng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về chuyển đổi số.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng dữ liệu số bảo đảm tập trung, kết nối, liên thông (đưa vào vận hành kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, kết nối liên thông các ngành, địa phương). Xây dựng hạ tầng chuyển đổi số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây quy mô cấp tỉnh để tổ chức triển khai và quản trị tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở và dịch vụ số của tỉnh.
Số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, các cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất kinh doanh và người dân. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số.
Rà soát, kiện toàn các quy chế, quy trình về quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức đánh giá và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tập trung tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn về an ninh mạng, ứng phó và xử lý các nguy cơ, sự cố về an toàn thông tin mạng cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước…
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã để đảu mạnh chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh.