image banner
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đánh giá của Bộ Chính trị, trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đạt khoảng 176 nghìn tỉ đồng, gấp 2,5 lần năm 2013, đứng thứ 10 toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng, đặt 51,4 triệu đồng, gấp hơn 2 lần năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tổng vốn đầu từ toàn xã hội tăng nhanh; thu ngân sách đạt kết quả tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được đầu tư, nâng cấp. Hợp tác liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng được đẩy mạnh; phát triển vùng miền tây có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống xứ Nghệ được bảo tồn, phát huy; giáo dục và đào tào phát triển khá toàn diện, giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu của cả nước; mạng lưới y tế phát triển tương đối đồng đều; an sinh xã hội được bảo đảm; tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng… Mặc dù vậy, Nghệ An vẫn là tỉnh khó khăn, chưa cân đối được ngân sách; chưa đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025 và tỉnh công nghiệp vào năm 2020, là trung tâm thương mại, du lịch, công nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh; tốc độ đô thị hóa chậm; khu vực miền Tây còn nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỉ trọng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp; nông nghiệp công nghệ cao chậm được nhân rộng; đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ; liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận hiệu quả chưa cao. Phát triển văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đồng đều…

Nghị quyết cũng xác định, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc tuyên truyền, quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong một số lĩnh vực chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ; nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Nghệ An ở một số nơi chưa sâu sắc. Thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch; giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư. Công tác dự báo còn hạn chế, chưa đánh giá đầy đủ khó khăn, thách thức; một số chỉ tiêu đề ra quá cao, tính khả thi thấp. Cơ cấu đầu tư, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương còn hạn chế, dàn trải nhiều dự án, đề án không đảm bảo được nguồn lực để thực hiện; một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù chậm được ban hành; thiếu giải pháp đột phá thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh.

Nghị quyết cũng xác định rõ, mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường.

Để đạt được mục tiêu chung đến năm 2030, Nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10%/năm; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10-11%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng khoảng 12%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 1.650 nghìn tỉ đồng. Đến năm 2030, cơ cấu GRDP nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5-14%, công nghiệp, xây dựng 42-42,5%; dịch vụ 39-39-5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,5-5%. GRDP/người đạt khoảng 7.500-8000 USD… Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5-1,5/năm…

Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại,  mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thân của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Nghị quyết đưa ra 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực như: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển; Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường liên kết phát triển; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Lê Thị Thắm - Sở TT&TT

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 267
  • Trong tuần: 3 356
  • Tất cả: 185761