image banner
Kinh tế biển – hướng đi bền vững trong thời kỳ hội nhập
Đứng trước những kỳ vọng về kinh tế vùng ven biển, UBND tỉnh Nghệ An ban hành chủ trương về thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển chiếm khoảng 57-60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và bình quân tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,5-13,5%/năm. Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế của tỉnh. Cụ thể, tập trung vào các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên bao gồm công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác khoáng sản biển

 

Tiềm năng dồi dào

Vùng ven biển tỉnh Nghệ An hiện nay gồm 05 huyện, thị xã (Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò và Hoàng Mai) với 34 xã, phường, thị trấn giáp biển; tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.296,6 km2, bằng 7,8% diện tích toàn tỉnh, bờ biển dài 82 km với diện tích vùng biển khoảng 4230 hải lý vuông; từ độ sâu 40m trở vào nói chung đáy biển tương đối bằng phẳng, từ độ sâu 40m trở ra có nhiều đá ngầm, cồn cát. Vùng biển Nghệ An là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao; dân số 1.003.358 người chiếm khoảng 29,4% dân số toàn tỉnh. Có 6 cửa lạch thuận lợi cho việc vận tải biển, phát triển cảng biển và nghề làm muối (1000 ha).

Với mục tiêu đưa kinh tế biển tỉnh Nghệ An đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, tập trung nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tốc độ xây dựng tỉnh ta trở thành địa phương biển mạnh, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh đồng thời hình thành văn hoá sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước đẩy lùi ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị ven biển, khu du lịch theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt để hình thành và phát triển hành lang kinh tế, sẵn sàng đón sóng đầu tư các dự án trọng điểm

Tính đến ngày 17/5/2024, toàn tỉnh Nghệ An có 3.462 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) là 2.565 chiếc. Trong đó, có 2.318 tàu đã thực hiện đăng ký (chiếm 90,37%), số tàu cá chưa đăng ký là 247 chiếc. Việc hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái;  Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu.

Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò. Công trình có tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng. Cung đường này dài 64.47 km, sở hữu 8 cầu quy mô tham gia mạnh mẽ vào việc khai thác hiệu quả tài nguyên biển và ven biển. Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.411 tỷ đồng; giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 1.415 tỷ đồng; tạo trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở để thu hút vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn cho địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò với số vốn lên tới 3.896 tỷ đồng sẽ giúp điểm đến này trở thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng. Nơi đây sẽ sớm trở thành trung tâm logistics, nắm giữ vai trò phân phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, dự án còn đáp ứng tốt vai trò là động lực để thu hút đầu tư từ trong và ngoài nước…

Các ngành kinh tế biển của tỉnh phát triển theo hướng bền vững

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của vùng ven biển năm 2023 tăng 8,39 % so với năm 2022. Các ngành kinh tế biển của tỉnh đã phát triển theo hướng bền vững, kiểm soát tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Giá trị tăng thêm của kinh tế vùng ven biển vào GRDP chung toàn tỉnh năm 2023 đạt 27,59 % (năm 2022 đạt 27,28 %). Năm 2023 giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng ven biển đạt 52,74 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 % so với năm 2022 (47,56 triệu đồng/người/năm). Các ngành kinh tế biển của tỉnh đã phát triển theo hướng bền vững, kiểm soát tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Sản lượng khai thác đạt gần 278.000 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác hải sản đạt hơn 199.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 63.000 tấn, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị kinh tế của thuỷ sản ước đạt 5.000 tỷ đồng. Quý 1/2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 56.156,1 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản từ đầu năm 2024 đến nay đạt 18.595,5 ha, tăng 3,02 % so với cùng kỳ năm trước.

 

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển

 Ngành du lịch đã tập trung khai thác các sản phẩm du lịch như: Du lịch tắm biển kết hợp với thưởng thức văn hóa ẩm thực, mua sắm; du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo; du lịch thể thao… Tổ chức khảo sát xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm làng nghề ven biển, từng bước thí điểm xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với từng địa phương, trước mắt triển khai tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để phục vụ khách du lịch. Tập trung liên kết, phối hợp các điểm đến du lịch tại các địa phương ven biển với các điểm đến khác trong tỉnh nhằm tăng cường quảng bá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách như: Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn - Cửa Lò, Vinh - Khu di tích Kim Liên - Vườn quốc gia Pù Mát - Vinh…; đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch Vinh, Cửa Lò đi Quỳ Châu, Quế Phong theo quốc lộ 48 gắn với các điểm du lịch ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai và Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm…; mở rộng tuyến du lịch trên sông Lam gắn với tuyến du lịch thủy nội địa Cửa Lò - Đảo Ngư; đồng thời tăng cường gắn kết du lịch Vinh, Cửa Lò với các tỉnh trong vùng…

Hàng năm, Tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thường xuyên nghiên cứu đổi mới cách tiếp cận để xúc tiến đầu tư đi vào thực chất, qua đó giới thiệu, quảng bá tiềm năng và thế mạnh về biển của tỉnh (du lịch, dịch vụ biển, năng lượng tái tạo, thủy sản,….); tích cực huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển: Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các xã vùng ven biển; xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ.

Phát triển kinh tế không những góp phần phát triển kinh tế chung mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm với chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững từng cột mốc chủ quyền trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên mỗi con tàu là linh hồn của Tổ quốc, là biểu tượng của ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, vững vàng vượt qua mọi sóng gió, sự đồng hành, kề vai sát cánh của các lực lượng chức năng cùng ngư dân trên biển.

Đinh Thi Huyền Trâm – Sở TT&TT

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1