image banner
Khát vọng vươn mình nơi miền Tây xứ Nghệ
Về với xứ Nghệ, không chỉ về với vùng đất địa linh nhân kiệt, về với những câu hò điệu ví chan chứa nghĩa tình mà xứ Nghệ còn được biết đến bởi những vùng đất với nhiều phong tục và nét đẹp mê hồn người. Miền Tây xứ Nghệ đang chuyển mình - một vị thế, một diện mạo mới về miền Tây đang ngày càng được khẳng định, ngày càng tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng đất cực Tây Nghệ An.

 

Tiềm năng và vị thế

Miền Tây tỉnh Nghệ An là vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu ái. Đây là vùng đất đai rộng lớn của 11 huyện, thị xã, bao gồm các huyện, thị: Anh Sơn,  Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tương Dương, Thái Hòa, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn với tổng diện tích tự nhiên 13.728,97km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh, với dân số trên 1.131.000 người, bao gồm các dân tộc: Thái, Thổ, Nùng, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu và Kinh sinh sống.

Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây Nghệ An trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Với chủ trương đó, miền Tây Nghệ An đang dần trở thành địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước;  Có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh Nghệ An, với tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Miền Tây Nghệ An – chuyển mình trước vận hội mới

Trên cơ sở những tiềm năng và vị thế có sẵn, quy mô và tiềm lực kinh tế có bước phát triển khá; tăng trưởng kinh tế ở miền Tây những năm gần đây đạt mức cao hơn bình quân toàn tỉnh. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đi vào nền nếp và ngày càng chặt chẽ; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp; Du lịch được chú trọng phát triển; Y tế, giáo dục ngày càng đổi mới; An ninh quốc phòng được đảm bảo; Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy trên địa bàn từng bước được ngăn chặn, giảm thiểu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững…

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách tăng khá; thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh. Tiêu biểu như  huyện Anh Sơn: Tổng giá trị sản xuất ước đạt 8.042.254 triệu đồng, đạt 97,6% KH, tăng 7,87% so với cùng kỳ; huyện Con Cuông: Tốc độ tăng trưởng năm 2023 ước đạt 6,43% so với cùng kỳ trong đó tốc độ tăng trưởng lĩnh vực;  thị xã Thái Hòa: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,4%. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 8,16%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,5%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,5%; huyện Nghĩa Đàn: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân 14,06%, đạt so với Nghị quyết HĐND huyện (14% - 14,5%). ..

 Công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn các huyện miền Tây đang ngày càng khởi sắc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến để khai thác thị trường và vùng nguyên liệu trù phú. Tại  huyện Anh Sơn: Đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học vật nuôi công nghệ cao tại xã Hùng Sơn; dự án Khu đô thị Anh Sơn; dự án Khu đô thị mới Cây Chanh tại xã Đỉnh Sơn; dự án Trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt tại xã Lĩnh Sơn; dự án Nhà máy sản xuất than củi sạch và gỗ thanh ép xuất khẩu tại khu công nghiệp Tri lễ, xã Khai Sơn; dự án khai thác mỏ đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Long Sơn; dự án khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại xã Hội Sơn... Huyện Quế Phong: Thu hút được 02 dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư hơn 207 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện đề xuất 07 dự án đầu tư thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Huyện Nghĩa Đàn: Đã thu hút 04 dự án với tổng mức vốn đăng ký đầu tư 411.120 triệu đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 15 dự án; 17 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất đầu tư và đang chấp thuận chủ trương đầu tư….

Đến với miền Tây xứ Nghệ ngoài được ngắm nhìn sự hùng vỹ của đất trời, được hòa mình vào thiên nhiên để quên đi những âu lo, muộn phiền, mà còn được đến với một miền đa sắc màu văn hóa. Người dân ở đây sống mộc mạc, chân chất và vô cùng hiếu khách. Mối quan hệ giữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung đặc biệt được chú trọng, vừa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế du lịch vùng miền Tây Nghệ An trong thời gian tới. Tiềm năng du lịch của miền Tây Nghệ An rất lớn cả về tự nhiên và xã hội, nhân văn. Với nhiều hang động, thác nước, suối nước nóng…trong vùng có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như dưỡng bệnh, du lịch thể thao, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học… tại huyện Anh Sơn: Tổng giá trị sản xuất (giá SS 2010) ước đạt 2.128.678 triệu đồng, đạt 99,23% KH, tăng 7,4% so với cùng kỳ; doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống 169.850 triệu đồng, đạt 100,6% kế hoạch tăng 9,1% so với cùng kỳ. Huyện Con Cuông: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 97.539 triệu đồng đạt 84,38% KH, tăng 5,37% so với cùng kỳ năm trước; Tổng số lượt khách đến Con Cuông ước đạt 100.456 lượt khách, Trong đó: khách quốc tế 1.294 lượt, khách nội địa là 99.156 lượt. Huyện Quế Phong: Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong; Trong năm 2023, 22.000 lượt, doanh thu ước đạt hơn 5,2 tỷ đồng….      

Miền tây xứ Nghệ cũng là nơi lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn…mang đậm nét văn hoá đặc sắc văn hóa vùng miền có thể phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Và còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác: Làng Vạc (Thị xã Thái Hòa), Đền Chín gian (Quế Phong), Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chạng (Quỳ Châu), đập Phà Lài, thác Kèm (Con Cuông)...Thưởng thức nhiều món ăn ngon do đồng bào các dân tộc ở đây chế biến. với quan điểm làm du lịch, phát triển du lịch từ chính cộng đồng địa phương; người dân chính là chủ thể thực hiện, phát huy và thụ hưởng. Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách. Cộng đồng địa phương ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách;

Đời sống của người dân Miền Tây ngày càng được nâng cao về tinh thần và thể chất; để cải thiện tình hình sức khỏe người DTTS, các địa phương miền Tây Nghệ An đang tích cực triển khai các nội dung Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719); tiêu biểu như huyện Quỳ Châu: Chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bình quân toàn huyện có 20 gường bệnh/10.000 dân; 9 bác sỹ/10.000 dân, 100% xã, thị trấn có bác sỹ, 100% trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế. Huyện Quỳ Hợp: Toàn huyện có 19/21 xã đạt Tiêu chí quốc gia về Y tế (TCQG YT) (đạt 90,4%). Đã chỉ đạo thẩm định lại 02 xã đạt TCQG YT trên 36 tháng (Thọ Hợp và Nghĩa Xuân), đã hoàn thiện hồ sơ, chờ tỉnh thẩm định…..

Thúc đẩy, hỗ trợ miền núi phát triển, đưa cuộc sống đồng bào các DTTS ở miền núi sớm tiến kịp miền xuôi, tỉnh Nghệ An có Đề án Giảm nghèo và giúp đỡ xã nghèo miền Tây từ năm 2011 nhằm huy động thêm nguồn lực cho các xã nghèo. Từ nguồn lực chương trình này kết hợp với Chương trình 135, mỗi năm, Nhà nước đầu tư từ 400 - 500 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp hạ tầng thiếu yếu các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn khu vực I, II, III ở các huyện miền Tây Nghệ An. Điểm nhấn quan trọng trong công cuộc đồng hành cùng đồng bào DTTS miền Tây Nghệ An thoát nghèo, đó là việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, bản nghèo, xã nghèo… từng bước nâng cao đời sống. Theo đó, đã có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở vùng đồng bằng, thành phố… nhận kết nghĩa, giúp đỡ các hộ nghèo, bản nghèo bằng việc hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở.

Thách thức và nỗ lực vươn mình

Những thành tích đạt được trong thời gian qua của miền Tây là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và hơn hết là nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ và nhân dân các địa phương, tuy nhiên, ở đó còn nhiều khó khăn và thách thức: Các chính sách giảm nghèo bền vững, đã quan tâm, có những kết quả nhưng nhìn chung, sự chuyển biến còn chậm, tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở các huyện miền núi còn nhiều; số lượng mô hình kinh tế có hiệu quả chưa cao; giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết triệt để,  chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng vẫn còn hạn chế; Cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thương mại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; trình độ nhận thức ở các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn là rào cản lớn.

Những trăn trở ấy cũng chính là căn nguyên và tiền đề để một miền Tây xứ Nghệ sẽ sớm thay da đổi thịt. Tìm giải pháp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, lưu giữ văn hóa, nét đẹp truyền thống là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu hiện nay để đưa khu vực miền Tây phát triển đi lên, tạo đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tiến nhanh, tiến kịp với các địa phương trong tỉnh và vươn ra tầm khu vực. Để miền Tây luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách khắp nơi trên bản đồ Việt Nam và thế giới.

Đinh Thị Huyền Trâm – Sở TT&TT

 

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1