image banner
Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024

Chiều ngày 05/8/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị.

 

 

Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm; lãnh đạo cấp trưởng, phó các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Văn phòng Bộ tại TP. HCM, TP. Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng ủy, đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam; lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.

Ba lưu ý khi triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã cùng lãnh đạo một số đơn vị: Cục Tần số Vô tuyến điện; Thanh tra Bộ; Cục Xuất bản, In và Phát hành thử nghiệm và trực tiếp đặt câu hỏi cho hệ thống trợ lý ảo của các đơn vị.

Thứ trưởng đã đưa ra 03 lưu ý quan trọng trong việc triển khai trợ lý ảo hỗ trợ công việc tại các đơn vị thuộc Bộ.

Đầu tiên, các đơn vị cần chủ động đặt câu hỏi và hướng dẫn trợ lý ảo hiểu rõ về các loại văn bản pháp luật như luật, nghị định và thông tư. Điều này giúp trợ lý ảo có khả năng trả lời chính xác và hỗ trợ hiệu quả hơn trong các nhiệm vụ liên quan đến pháp lý và hành chính.

Lưu ý thứ hai là đảm bảo các tri thức được dạy cho trợ lý ảo phải chính xác và đáng tin cậy. Tri thức không chính xác sẽ dẫn đến việc trợ lý ảo cung cấp thông tin sai lệch, gây ra hậu quả không mong muốn trong quá trình hỗ trợ công việc. Do đó, các đơn vị phải kiểm tra và xác thực thông tin trước khi truyền đạt cho trợ lý ảo.

Cuối cùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác và toàn diện. Trợ lý ảo cần có nguồn dữ liệu phong phú và chính xác để có thể truy xuất thông tin một cách hiệu quả. Các đơn vị cần đầu tư vào việc xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin thường xuyên để trợ lý ảo có thể đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng một cách nhanh chóng và chính xác.

Việc áp dụng trợ lý ảo trong công việc là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Bộ TT&TT, giúp cải thiện hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Với ba lưu ý trên, Thứ trưởng Phạm Đức Long hy vọng các đơn vị sẽ triển khai trợ lý ảo một cách hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho công việc hàng ngày.

Ứng dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế tại Việt Nam

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Chung, đại diện Vụ Bưu chính đã trình bày tham luận về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế bưu chính quốc tế, bao gồm cập nhật và sắp xếp dữ liệu theo chủ đề. Cụ thể, Vụ Bưu chính đã tổng hợp các quy định của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Liên minh châu Âu (EU) và luật bưu chính của 10 quốc gia, cùng với các thông tin về cơ quan quản lý bưu chính và thống kê trong lĩnh vực này.

Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Chung, đại diện Vụ Bưu chính đã trình bày tham luận về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế bưu chính quốc tế

Ông Chung cho biết, Vụ Bưu chính đã chia sẻ tài liệu này với 63 Sở TT&TT và các doanh nghiệp bưu chính thông qua các nền tảng như Viber và Zalo, nhận được phản hồi tích cực. Vụ Bưu chính sẽ tiếp tục cập nhật và làm giàu dữ liệu để hỗ trợ xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội giai đoạn 2025-2026.

Đại diện Cục Thông tin cơ sở, bà Thẩm Mai Linh đã trình bày tham luận về kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc ứng dụng nền tảng số quốc gia phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo đó, nền tảng này đã được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Trung Quốc xây dựng và đưa vào hoạt động từ ngày 1/2/2021, tích hợp với các mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc như WeChat, Sina Weibo, TikTok với các tính năng nổi bật như phản ánh hiện trường; trực tiếp báo án; kịp thời cảnh báo và xác thực danh tính của chủ tài khoản, ngăn chặn hành vi hack tài khoản của đối tượng lừa đảo. Qua hơn 3 năm hoạt động, nền tảng "Thông tin phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" của Trung Quốc đã đưa ra 40,67 triệu hiệu lệnh cảnh báo; ngăn chặn thành công 1,9 tỷ cuộc gọi lừa đảo và 2,1 tỷ tin nhắn lừa đảo; chặn 2106 triệu trang web lừa đảo giúp 61,78 triệu người dân thoát khỏi bẫy lừa đảo.

Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024- Ảnh 3.

Đại diện Cục Thông tin cơ sở, bà Thẩm Mai Linh đã trình bày tham luận về kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc ứng dụng nền tảng số quốc gia phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Tại Hội nghị, đại diện Cục Thông tin cơ sở cho biết, qua tìm hiểu, hiện Bộ TT&TT đã cùng các doanh nghiệp viễn thông triển khai tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đồng thời phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp công nghệ giúp người dân phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến. Vì vậy, trên cơ sở tham khảo những tính năng cơ bản của quốc tế, Cục Thông tin cơ sở đề xuất lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo, định hướng cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, phát triển nền tảng số quốc gia của Việt Nam về phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá cao các tham luận và đề xuất từ hai đơn vị, đồng thời khuyến khích các đơn vị ứng dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai phát triển các ứng dụng, nhằm mang lại hiệu quả và chất lượng tốt nhất, phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Chú ý tiến độ công việc thường xuyên, không để chậm muộn

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh các đơn vị cần chú ý tiến độ công việc thường xuyên trong tháng, không để chậm muộn, quá hạn.

Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2024- Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội nghị

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần đóng góp ý kiến cho báo cáo tổng kết về Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đồng thời cần chú ý hoàn thành các đề án trình Chính phủ thời gian tới và đảm bảo tiến độ.

Thứ trưởng giao Cục CĐS Quốc gia tham mưu các đề án liên quan đến chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin xây dựng kế hoạch hành động dựa trên dữ liệu và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời, cần đảm bảo an toàn thông tin và thúc đẩy sử dụng dữ liệu, nghiên cứu khai phóng dữ liệu.

Số liệu tổng quan ngành TT&TT trong 7 tháng đầu năm 2024:

Doanh thu: 2.414.666 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận: 175.615 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Nộp ngân sách: 70.435 tỷ đồng, tăng 255% so với cùng kỳ.

Đóng góp vào GDP: 558.522 tỷ đồng, tăng 209% so với cùng kỳ.

Lao động: 1.532.163 lao động, tăng 28% so với cùng kỳ.

Trong tháng 7/2024, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị định, 01 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư, cụ thể:

Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 26/7/2024 kiện toàn thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

- Thông tư số 06/2024/TT-BTTTT ngày 01/7/2024 quy định công nhận Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.

- Thông tư số 07/2024/TT-BTTTT ngày 02/7/2024 quy định chi tiết cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông.

- Thông tư số 08/2024/TT-BTTTT ngày 10/7/2024 quy định chi tiết hoạt động bán buôn trong viễn thông./.

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1