Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và lên tiếng cảnh báo
người dân nêu cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội. Nổi
lên là hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động, kê khai tài sản chứng minh vô tội.
Bị lừa tiền khi
xin đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc
Cơ quan chức năng cho hay, thông qua quảng cáo trên mạng xã hội của Công
ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh,
nhiều người dân đã nộp rất nhiều tiền vào đây để đi xuất khẩu lao động tại Hàn
Quốc theo Chương trình lao động thời vụ E-8. Nhưng không ai biết rằng, doanh
nghiệp này không hề có giấy phép để đưa người đi xuất khẩu lao động.
Chương trình lao động thời vụ E-8 là ký kết hợp tác giữa các địa phương
của Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là chương trình hợp tác phi lợi nhuận do cơ quan
chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện, không có sự tham gia của
bất kỳ doanh nghiệp nào.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh chưa ký kết với bất cứ địa phương nào của Hàn
Quốc, vì vậy người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa thể đi xuất khẩu lao
động theo E-8. Công ty TNHH thương mại dịch vụ L&R chưa được cấp giấy phép
đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài, vậy nên, tất cả các hoạt động tư vấn
quảng cáo, thu hồ sơ và các hoạt động thực hiện đưa người lao động đi nước
ngoài đều là vi phạm quy định về pháp luật lao động.
Mặc dù đã cảnh giác, tiến hành kiểm tra mã số thuế doanh nghiệp..., nhưng
do hiểu biết còn hạn chế, nên nhiều người không biết được rằng công ty đó có
được cấp phép hay không, chương trình xuất khẩu lao động có được phép hoạt động
hay không nên bị mắc bẫy. Ngoài ra, người dân hiện nay dễ ảnh hưởng bởi “hiệu
ứng đám đông”, thấy đông người làm cũng theo mà không tìm hiểu kỹ .
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho
biết, tính đến cuối năm 2023 mới chỉ có 12 địa phương của Việt Nam ký thỏa
thuận với địa phương Hàn Quốc. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo
như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có thể
giải quyết.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền
thông khuyến cáo, người dân cần xác minh tìm hiểu thật kỹ thông qua các trang
web chính thức của các cơ quan quản lý, để tránh rơi vào tình cảnh "tiền
mất, tật mang", dính "bẫy" các đối tượng lừa đảo.
Lừa đảo nạn nhân
kê khai thông tin tài sản để chứng minh vô tội
Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh
cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có nhiều người sập
bẫy của các đối tượng. Mới đây, Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội đang điều tra,
xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền
hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, vào trung tuần tháng 3/2024, Công an phường Phương Liên, quận
Đống Đa tiếp nhận tin trình báo của anh D. (SN 2001, trú Đống Đa, Hà Nội) về
việc anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối
tượng nói anh D. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa
tiền. Đối tượng yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không
liên quan.
Do lo sợ nên anh D. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối
tượng. Sau khi biết mình bị lừa, anh D. tới cơ quan công an trình báo. Vụ việc
hiện nay đang được cơ quan công an điều tra, xử lý, theo quy định pháp luật.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng
thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của
đối tượng xấu. Tuyệt đối không nghe và làm theo những hướng dẫn của đối tượng
lạ; không cung cấp thông tin cá nhân tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho
những hành vi phạm tội của đối tượng.
Để tránh bị giả mạo, cơ quan công an khẳng định, để làm việc với người
dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua
công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản
ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần
báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, truy tìm đối tượng
phạm pháp.
Diệu Thu - Sở TT&TT