image banner
Làm gì để bảo vệ bí mật cá nhân?

Dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Do đó, chủ thể dữ liệu cần được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân; cá nhân cần biết cách bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình.

          Các chế tài xử lý quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân cần đủ mạnh

Quyền bảo vệ thông tin cá nhân (DLCN) là một quyền dân sự, việc bảo vệ quyền này được coi là nguyên tắc trong pháp luật Dân sự. Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định: “Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Tại Khoản 2 điều này đã ghi nhận 5 hình thức chế tài dân sự: Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Công nhận quyền dân sự của mình; Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại.

          Bên cạnh chế tài dân sự, chế tài hình sự và chế tài hành chính cũng đã được ban hành, tuy nhiên chưa có quy định về bảo vệ DLCN một cách cụ thể.

Về chế tài hình sự: Vi phạm các quy định về thông tin cá nhân có thể bị xử phạt hình sự, với án tù giam cao nhất là 07 năm theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều 159 quy định, việc “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt tới 03 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù giam. Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới DLCN đang diễn ra hiện nay. Việc chứng minh tội phạm để phù hợp với các yếu tố cấu thành tội phạm này hiện đang rất khó khăn.

Về chế tài hành chính: Các hành vi vi phạm, xâm hại đến DLCN có thể bị buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ quy định:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi : Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

-  Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

(Điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP )

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau “Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông”.  Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này; Buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này; Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

(Điểm a khoản 5, khoản 8, khoản 9 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)

Các mức phạt này áp dụng đối với tổ chức trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ DLCN, nhưng các quy định trên chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, việc xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như: khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nêu rõ quy định về thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân. Nghị định số 13 bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành tập trung những vấn đề pháp lý về các cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc kiểm soát và bảo vệ dữ liệu. Tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình. Theo Nghị định này, việc thu thập, sử dụng, phát tán, mua bán kinh doanh dữ liệu cá nhân không được phép, là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Nghị định 13 vẫn ở mức sơ khởi vì nó vừa mới chỉ được ban hành cách đây vài tháng. Việc bổ sung, sửa đổi, tập trung thống nhất các chế tài xử lý vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ DLCN, cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ DLCN là cần thiết.

Hiện nay, Bộ công an đang chủ  trì dự thảo Nghị định bảo vệ DLCN, trong đó quy định mức phạt rất cao nếu có hành vi vi phạm. Hy vọng với Nghị định này, các chế tài xử lý quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân đủ mạnh để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ DLCN có hiệu quả.

Anh-tin-bai

Mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình trước khi sử dụng đến các biện pháp của pháp luật

Nghị định 13 đang dừng ở mức sơ khởi vì nó chỉ vừa mới được ban hành khoảng vài tháng trước. Các doanh nghiệp hiện cũng chưa có một bộ phận chuyên trách, người am hiểu về các bước tuân thủ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Chế tài xử lý DLCN hiện tại cũng chưa có. Do vậy, trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, để phòng tránh tội phạm và những hệ lụy có liên quan mỗi tổ chức, cá nhân cần biết các biện pháp bảo vệ DLCN của mình. Cụ thể:

-  Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng;

- Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội;

- Trường hợp bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của căn cước công dân, chứng minh nhân dân không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân; đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật;

- Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ/ phát hiện số căn cước công dân/ chứng minh nhân dân của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

- Trong trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê căn cước công dân hay chứng minh nhân dân; mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu biết đối tượng sử dụng căn cước công dân, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

                             
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1